Chuột Gaming và chuộc chạy đua công nghệ
Tháng 12 luôn là thời điểm thích hợp để nhìn lại chặng đường phát triển của công nghệ, và nó không chỉ dừng lại ở ngành công nghiệp Game hay những sản phẩm Smartphone đang làm mưa làm gió trên thị trường. Với chuột chơi game trong năm 2018, cũng có nhiều công nghệ mới được ra đời hướng tới trải nghiệm sử dụng một thoải mái nhất và hiệu quả nhất. Chúng tôi xin mời các bạn cùng điểm lại những công nghệ được ra đời trên Chuột Chơi Game có tầm ảnh hưởng lớn nhất năm 2018 này:
1. CÔNG NGHỆ KẾT NỐI KHÔNG DÂY LIGHTSPEED CỦA LOGITECH
Được giới thiệu lần đầu tiên vào giữa năm 2017, nhưng cho đến hiện tại công nghệ LIGHTSPEED vẫn được đánh giá là đem tới kết nối không dây tốt nhất trên thế giới. Tuổi đời lâu là vậy, nhưng chúng tôi tin rằng vẫn chưa có nhiều bạn game thủ biết được chính xác cách thức hoạt động của LIGHTSPEED là như thế nào, chúng tôi sẽ giải thích ngay dưới đây
(Tham khảo từ Rocket Jump Ninja, ngay cả với G403 Wireless, không có công nghệ LIGHTSPEED, tốc độ phản hồi vẫn cực nhanh)
Khi ra mắt tính năng LIGHTSPEED, thương hiệu Gaming Gear nổi tiếng Thụy Sỹ chỉ quảng cáo là cho tốc độ kết nối nhanh nhất thế giới, đem tới sự đáp ứng hoàn hảo sánh ngang với chuột có dây. Nhưng bên cạnh đó, LIGHTSPEED còn có một tính năng đặc biệt khác, đó chính là khả năng ngăn cách các loại sóng khác, đem lại sự ổn định tuyệt đối trong nhiều giờ đồng hồ.
Hãy hình dung bạn đang ở trong một phòng làm việc nhỏ, có quá nhiều thiết bị không dây cùng sử dụng một lúc. Những chú chuột không dây giá rẻ mà bạn dùng sẽ dễ dàng bị gặp lỗi kết nối, nguyên nhân từ sự xung đột giữa các loại sóng không dây khác nhau. Với sự có mặt của LIGHTSPEED, ngoài phát ra loại sóng kết nối của riêng nó, còn phát ra loại sóng khác có tác dụng ngăn cản và tạo sự ổn định cho chú chuột của bạn, sẽ không hề gặp bất kì một lỗi kết nối nào.
Và đó chính là lý do LIGHTSPEED đang đi đầu trong công nghệ chuột chơi game không dây. Thực tế cũng đã có rất nhiều game thủ CSGOchuyên nghiệp sử dụng G703, G403 Wirelessvà G903 để thi đấu.
2. CÔNG NGHỆ MẮT CẢM BIẾN CHƠI GAME TIẾT KIỆM ĐIỆN !
Tiếp tục là Logitech, thương hiệu đến từ Thụy Sỹ luôn nổi tiếng với lịch sử phát triển công nghệ trên các sản phẩm của họ. Và ngay sau khi LIGHTSPEED ra mắt không lâu, sản phẩm đánh dấu sự ra đời của công nghệ này chính là Logitech G603. Công nghệ đặc biệt đó chính là mắt cảm biến HERO
HERO được viết tắt bởi cụm từ High Efficiency Rated Optical, nghĩa của cụm từ rất đơn giản, đó là mắt cảm biến quang học hiệu suất tiết kiệm cao. HERO được ra đời cũng hướng tới sự tiết kiệm năng lượng trong khi vẫn giữ được toàn bộ sức mạnh của mắt cảm biến Pixart 3366 Độc Quyền của Logitech (thậm chí còn nhỉnh hơn với 16000 DPI thay vì 12000 DPI).
Hiệu quả rõ rệt của HERO đó chính là việc kéo dài thời lượng sử dụng pin lên gấp 10 lần. Nghĩa là thay vì 25 giờ sử dụng với 1 viên pin AA, HERO sẽ kéo dài thời lượng lên thành 250 giờ. Ở Logitech G603, sử dụng 2 viên Pin AA, thời lượng sử dụng với độ trễ 1ms sẽ là 500 giờ. Đối với người dùng văn phòng không cần độ trễ thấp để chơi game, có thể sử dụng mức độ trễ 8ms, lúc này thời lượng pin sẽ là 1400 giờ, tương đương với 2 tháng sử dụng nếu sử dụng 24/7. Nếu chỉ sử dụng 8 tiếng mỗi ngày, con số này sẽ là 6 tháng. Một thời lượng pin siêu ấn tượng mà tất cả các hãng sản xuất chuột Gaming đều ao ước.
3. CÔNG NGHỆ SẠC KHÔNG DÂY CHO CẢ SMARTPHONE CỦA CORSAIR
Logitech đi đầu trong công nghệ sạc không dây với chiếc bàn di G Powerplay, nhưng Corsair lại giúp cho ý tưởng này trở nên hữu dụng hơn với chuẩn sạc không dây Qi, sẽ giúp các game thủ có thể sạc không dây bất cứ chiếc Smartphone nào trên chiếc bàn di chuột Corsair MM1000
Tuy nhiên sự hữu dụng đó là có giới hạn, người dùng buộc phải di chuyển chú chuột hoặc điện thoại của mình về phía góc phải của bàn di chuột Corsair MM1000, trong khi chú chuột Darkcore lại có kích cỡ khá lớn. Như vậy gần như không thể vừa sạc điện thoại vừa sử dụng chuột một cách thoải mái.
Dù ý tưởng của Corsair là hay, nhưng sự áp dụng thực tế không được như sự kì vọng của phần đông người dùng cao cấp. Chúng tôi cũng hi vọng trong năm 2019, thương hiệu lừng danh đến từ USA sẽ có những sự thay đổi hợp lý hơn để khai thác tối đa sự tiện dụng của công nghệ sạc không dây Qi trên chuột và bàn di
4. CÔNG NGHỆ CHUỘT KHÔNG DÂY / KHÔNG PIN ĐẾN TỪ RAZER
Thời điểm ra là mắt muộn nhất so với 2 thương hiệu Logitech và Corsair, nhưng Razer lần này đã đem tới một công nghệ siêu độc đáo và đẳng cấp. Đó chính là mẫu sản phẩm Razer Mamba Hyperflux+ Firefly Hyperflux.
Pin luôn là vấn đề cần phải được nghiên cứu rất nhiều trong những chuột chơi game không dây. Để hoạt động được lâu dài, dung lượng của viên pin cần cao. Nhưng một vấn đề hiển nhiên đó là pin càng trâu, trọng lượng của nó vô tình sẽ bị đẩy lên cao quá mức cho phép, dẫn đến sự nặng nề cho toàn bộ chú chuột.
Razer đã giải quyết được vấn đề này với việc loại bỏ hoàn toàn cục pin bên trong chuột, biến chiếc bàn di Firefly Hyperflux thành một trạm phát năng lượng ngay khi đặt chuột Mamba Hyperflux lên bề mặt. Chuột Mamba Hyperflux sẽ được cung cấp điện không dây trực tiếp và không cần đến viên pin nào cả. Việc không còn Pin, khiến trọng lượng của Mamba Hyperflux chỉ còn 96g, một mức trọng lượng rất tốt cho mọi nhu cầu chơi game MOBA hay thậm chí là tựa game đòi hỏi chuột cực kì khắt khe đó là FPS. Với công nghệ cực kì sáng tạo này, mức giá để sở hữu bộ sản phẩm cũng không hề rẻ và cũng không thể được bán tách rời, bởi chỉ cần thiếu 1 trong 2, thiết bị còn lại sẽ không thể hoạt động được.
Như vậy, tuy ra mắt sau Corsair Darkcore + MM1000, nhưng bộ đôi Razer Mamba Hyperflux + Firefly Hyperflux đã ngay lập tức cho thấy sự sáng tạo vượt trội và đạt được một loạt các giải thưởng công nghệ. Chắc chắn nó sẽ đáp ứng rât tốt cho mọi nhu cầu sử dụng của mọi đối tượng người dùng.
5. MẮT CẢM BIẾN TRUE DEPTH SENSOR CỦA STEELSERIES
Công nghệ 2 mắt cảm biến (Dual Sensor) hoạt động song song trên chuột chơi game không phải quá mới mẻ. Cách đây 7 năm, Razer đã có cho mình những chú chuột có áp dụng công nghệ này đó là RazerImperator và Razer Mamba 4G, tuy nhiên ở thời điểm đó, hiệu năng thực sự của công nghệ Dual Sensor này không có gì khác ngoài đẩy mức DPI lên cao, đem tới sự phô diễn về thông số kĩ thuật đã trở thành huyền thoại của Razer.
Trải qua một thời gian dài im hơi lặng tiếng, Steelseries với sự thành công với bộ đôi chuột Sensei 310 và Rival 310, tiếp tục phát huy cảm hứng sáng tạo này áp dụng cho một chú chuột FLAG SHIP mới của họ, mang tên Rival 600. Và ở chú chuột này, một lần nữa công nghệ Dual Sensor lại được Steelseries áp dụng lại. Vậy nó hoạt động như thế nào, có đem lại hiệu quả hay không ?
Steelseries cho rằng, trong quá trình chơi game đặc biệt là CS:GO, cho dù có cố gắng đến đâu, các game thủ cũng không thể tránh khỏi những hiện tượng nhấc chuột lên khỏi bề mặt bàn di và đưa chuột về vị trí trung tâm của bàn di chuột. Với mỗi lần đặt chuột trở lại bàn di, sẽ xảy ra hiện tượng lệch tỏ chuột và đem tới sự thiếu ổn định phần nào đối với các game thủ khó tính. Mắt cảm biến Steelseries TRUEMOVE3+ được ra đời với sự bổ sung mắt cảm biến theo dõi độ sâu, giảm tối đa độ lệch trục, chúng ta cùng theo dõi cách thức hoạt động của công nghệ này dưới đây.
Sự khác biệt là rõ rệt, nhưng áp dụng vào game có cho hiệu quả thực sự hay không, còn tùy thuộc vào thói quen sử dụng của từng game thủ. Tuy nhiên xét về yếu tố công nghệ, ý tưởng sáng tạo, Steelseries thực sự đã tạo nên một chuẩn mực mới cho khả năng hoàn thiện Tracking trên chuột chơi game.
6. CÔNG NGHỆ NÚT BẤM BẤT TỬ G-TECH ĐỘC QUYỀN CỦA FUHLEN
Một yếu tố luôn được người dùng quan tâm mỗi khi lựa chọn chuột chơi game, đó là chất lượng và độ bền của nút bấm. Công nghệ nút bấm phổ biến hiện nay vẫn là Omron với các mức tuổi thọ khác nhau là 10 triệu, 20 triệu, và 50 triệu lượt nhấn. Tuy nhiên, gã khổng lồ Fuhlen trong năm 2017 đã gây sốc trên toàn thị trường Việt Nam với một công nghệ nút bấm có tuổi thọ trên 100 triệu lượt nhấn, có nghĩa là cho dù bạn sử dụng đến hết thời gian bảo hành rất lâu, chuột vẫn không thể bị Double Click. Đó chính là công nghệ nút bấm Magnet Driven Micro Switch(Được phát triển bởi G-Tech, độc quyền cho Fuhen), hay còn gọi là nút bấm Nam Châm, hoặc Nút Bấm Bất Tử theo cách gọi của một số người dùng vui tính.
Công nghệ nút bấm thay vì sử dụng cơ chế hoạt động cơ học của nút Omron, chuyển sang sử dụng sự tương tác lực hút của thanh kim loại với một viên nam châm. Khi thanh nam châm được hút, tạo ra cảm giác Clicky, tín hiệu sẽ được ghi lại nhờ sóng quang học định vị sự di chuyển ngang qua của thanh kim loại. Vậy nên cũng có thể hiểu rằng, nhà sản xuât đã sử dụng công nghệ Quang Học trên loại nút bấm này. Cũng chính nhờ sự tương tác của nam châm và kim loại, tuổi thọ của nút bấm này không thể hoặc rất ít bị suy giảm theo thời gian.
KẾT LUẬN.
Như vậy chúng ta đều đã có cái nhìn khái quát về cuộc chạy đua công nghệ đến từ các hãng gaming gear lớn và không biết rằng liệu trong năm 2019 tới đây các nhà sản xuất sẽ cho ra mắt các công nghệ gì mới trên các sản phẩm của mình, quan trọng hơn tất cả những công nghệ đấy sẽ giúp cho người chơi cải thiện trải nghiệm đến mức nào và liệu rằng những công nghệ đó có khả năng sẽ gây trở ngại cho những người dùng khác.
Nguồn: hanoicomputer.